Nắng nóng thì ngựa còn chết nữa là người. Nhưng tại sao thế nhỉ? Cơ chế của hiện tượng này là gì?
Chỉ mới vào đầu hè nhưng những ngày vừa qua quả thực là giai đoạn vô cùng khắc nghiệt. Nền nhiệt liên tục vượt mốc 40 độ C, có lúc lên đến 50, 60 độ như ghi nhận tại phố đi bộ Hồ Gươm ngày 19/5.
Thậm chí, đợt nắng nóng tại Việt Nam còn lên cả báo Mỹ, với tư cách "phá kỷ lục mọi thời kỳ" nữa kia.
>> Thời tiết ngày 18/5: Nắng nóng gay gắt, nhiệt độ trên 40 độ C
Nhiệt kế chỉ 58 độ C thời điểm 13h chiều ngày 19/5 tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội
Nhưng nóng bức không chỉ gây ra sự khó chịu, bức bối, mà còn là một yếu tố nguy hiểm chết người. Mới đây, một người đàn ông ở Hà Tĩnh đã tử vong vì sốc nhiệt ngày nắng nóng. Viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết mỗi ngày số ca đột quỵ họ phải tiếp nhận cũng lên tới 30 - 40 người, trong đó có trường hợp đã tử vong.
Tại sao nắng nóng có thể nguy hiểm đến như thế? Cơ thể chúng ta phản ứng như thế nào trước tác động của nền nhiệt khủng khiếp này?
Say nắng - một phản ứng báo hiệu nguy hiểm
Khi chúng ta để cơ thể liên tục tiếp xúc với nắng gắt, cơ thể sẽ liên tục bị đẩy tới giới hạn. Ánh nắng chiếu trực tiếp vào đỉnh đầu, gáy, thái dương sẽ tàn phá vùng điều hòa thân nhiệt của hệ thần kinh, khiến cơ thể bị đẩy vào trạng thái hoa mắt, chóng mặt - hay còn được gọi là say nắng.
Và khi đã rơi vào trạng thái này, có thể nói bạn đang gặp nguy hiểm.
Trước tiên cần biết rằng thân nhiệt của con người bình thường rơi vào khoảng 37 độ C. Nhưng vào thời điểm say nắng, thân nhiệt có thể tăng vọt lên đến 39, 40 độ. Để bảo vệ tính mạng, lúc này cơ thể buộc phải tiết nhiều mồ hôi hơn để cân bằng lại nhiệt độ, từ đây dẫn đến tình trạng mất nước.
Nếu không được bổ sung nước kịp thời, cơ chế điều hòa thân nhiệt sẽ hoạt động không hiệu quả, dẫn đến rối loạn. Các tế bào trong cơ thể lúc này như sôi lên, phản ứng một cách dữ dội, thể hiện qua trạng thái mặt đỏ. Làn da thì khô dần vì mất nước, trong khi huyết áp cũng tụt dần, gây mất nhận thức.
Một số trường hợp còn bị ảo giác, hôn mê và co giật. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị say nắng dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như phù phổi, suy thận cấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, mất trí nhớ, tử vong…
Say nắng thì ngựa còn ngất nữa là người
Bí kíp đơn giản nhất để sống sót qua những ngày nắng gắt
Có thể hiểu đơn giản rằng cơ thể chúng ta rơi vào trạng thái say nắng chỉ vì 2 yếu tố: tiếp xúc với nắng gắt quá lâu, và bị mất quá nhiều nước.
Từ đây, chúng ta có giải pháp hết sức đơn giản cho cho những ngày nắng nóng. Đầu tiên là liên tục bổ sung nước cho cơ thể - ít nhất là 1,5l đến 2l nước mỗi ngày theo mức khuyến cáo của các chuyên gia.
Và thứ 2 là nên chọn khung giờ phù hợp để ra đường. Thời điểm nắng gắt nhất thường là từ 10h - 15h, cần tránh ra đường vào khung giờ này.
Ngoài ra trong những ngày này nên chọn quần áo bằng vải rộng, mát mẻ, thoáng khí. Khi ra đường cần mặc "kín cổng cao tường" một chút, vừa tránh được nắng chiếu trực tiếp, và giảm được tác hại của tia UV.
Tham khảo: IFL Science, Science Alert, Health.com, Kênh14.
>> Sử dụng máy lạnh và quạt hơi nước cùng lúc có được không?
Bình luận